Cùng tập thể dục, cùng ghi nhớ, cùng tập nói hay chơi ú òa là những cách giúp bé nhanh nhẹn hơn.
Cho tới thời điểm 7 tháng tuổi, bố mẹ luôn là trung tâm thế giới của trẻ và là sự thích thú khi trẻ được ở cạnh bố mẹ. Nhưng 7 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu nhận thức được những người quen hay những vật xung quanh. Trẻ lúc này bắt đầu biết khám phá thế giới của mình.
Với những trò chơi dưới đây, bạn sẽ giúp trẻ khám phá và phát triển trí tuệ lẫn thể chất một cách an toàn nhưng đầy thích thú:
Mẹ và con cùng tập thể dục nhé: Trước tiên, bạn hãy để gọn đồ trong phòng và để trẻ ở một vị trí mà bạn cho rằng an toàn để giúp 2 mẹ con chơi thoải mái. Sau đó, bạn có thể tạo ra tiếng động (vỗ tay, bật nhạc, lắc xúc xắc) ở xa vị trí của bé một chút để khuyến khích trẻ bò về phía trước. Hoặc bạn có thể đưa đồ chơi lên cao và lúc lắc để trẻ có nâng tay lên và với lấy đồ chơi (bạn nên ngồi cạnh trẻ để khi trẻ với lấy đồ chơi, có vấn đề gì bạn có thể đỡ được trẻ).
Ngồi và bò là cột mốc mà trẻ phát triển trong tháng này. Vì vậy, trò chơi di chuyển hoặc tìm kiếm sẽ giúp chân tay của trẻ phát triển cứng cáp hơn.
Mẹ con mình cùng ghi nhớ nhé: Ở giai đoạn 7 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu nhận ra bạn và sẽ nhanh chóng tìm kiếm khi không thấy bạn đâu. Hãy tạo sự thích thú cho trẻ bằng trò chơi ‘ú òa’. Bạn có thể nấp đằng sau cánh cửa, tường… và rồi đột ngột xuất hiện với tiếng ‘òa’ , điều này sẽ khiên trẻ vô cùng thích thú. Hay bạn có thể để một đồ chơi nào đó dưới gối, quyển sách… và khuyến khích trẻ đi tìm.
Những trò chơi này sẽ giúp trẻ đạt được mốc mới trong sự phát triển nhận thức và trí nhớ.
Mẹ và con cùng chơi trò ngón tay nhé: Ngón tay rất hấp dẫn trẻ vì nhờ có chúng mà trẻ có thể làm được rất nhiều việc. Chúng giúp trẻ cầm nắm vào những đồ vật yêu thích, đôi khi trở thành ‘món ăn’ để con cho vào miệng.
Ở mỗi đầu ngón tay, bạn hãy vẽ hình khuôn mặt dễ thương với trẻ. Bắt đầu khép tay lại và giơ về trước mắt con, nhớ là nắm chặt ngón tay để bé không nhìn thấy khuôn mặt bên trong. Lần lượt làm như vậy với các ngón còn lại. Cuối cùng để cả 5 ngón tay cùng vẫy chào bé và khuyến khích bé vẫy lại.
Trò chơi với các ngón tay sẽ bổ sung kiến thức về tên gọi của từng ngón tay cũng như số lượng ngón tay trên một bàn tay đối với con yêu. Mọi kiến thức sẽ đi vào cuộc sống của con một cách đơn giản nhất.
Mẹ con mình cùng tập nói nào: Nhiều trẻ ở 7 tháng tuổi đã có phản xạ khi ai đó gọi tên mình. Hãy chơi trò chơi ‘mẹ hỏi con trả lời’, ví dụ như ‘con có muốn quả bóng này không? Đây có phải của bóng của con không nhỉ?’… sau mỗi câu hỏi, bạn hãy dừng lại một chút để trẻ có phản ứng trước câu hỏi. Dù những những âm thanh phát ra từ miệng trẻ nghe có vẻ vô nghĩa nhưng đó lại là cách thức giúp trẻ phát triển ngôn ngữ nói của mình trong những tháng tiếp theo.
Ngoài ra, trò chơi này sẽ giúp trẻ học nói nhanh hơn.
Hy vọng với những trò chơi trên sẽ giúp bé yêu của bạn có sự phát triển bền vững về thể chất, tinh thần và trí tuệ.
Nguồn ảnh: Internet
Thùy Chi
Theo Suckhoedoisong.vn
Quét mã QR để đọc bài viết này để xem tiếp trên điện thoại